Bài tập đạp xe 30 km mỗi ngày của nữ sinh

Thức dậy từ 4h30 sáng, Khánh Phương đạp xe từ nhà ra đến cảng cá Lương Sơn (Nha Trang) sau đó quay về, chặng đường hơn 30 km này được cô thực hiện trong khoảng hơn một giờ.

Bài tập đạp xe 30 km mỗi ngày của nữ sinh

 Khánh Phương trong một buổi đạp xe. Ảnh: K.P.
Khánh Phương trong một buổi đạp xe. Ảnh: K.P.

Cách đây 6 tháng, Khánh Phương, sinh viên năm 3 Khoa Kinh tế, ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Nha Trang, cho biết, cô thường cảm thấy mệt mỏi sau những giờ học, đuối sức trong những chuyến đi hoạt động xã hội. Thấy vậy, bố Phương mua một chiếc xe đạp và khuyên con gái nên đi tập vào sáng sớm cho sức khỏe được cải thiện.

“Đó là khoảng thời gian cực kỳ kinh khủng, bố luôn đánh thức dậy lúc 4h30 và rủ đạp xe theo ông. Tôi cố gắng hết sức cũng chỉ đạp được 7-8 km là ngồi bệt xuống đường mà thở dốc. Tối về nhà người đau ê ẩm, đặc biệt là 2 chân không nhấc lên nổi khi bước đi…”.

 Vóc dáng của người đẹp Nha Trang. Ảnh: NVCC.
Vóc dáng của người đẹp Nha Trang. Ảnh: NVCC.

Đạp xe được vài hôm, Khánh Phương định bỏ cuộc. Nhưng trước sự động viên của bố và sức hấp dẫn của cung đường với biển, đèo núi khiến cô tiếp tục. “Tôi tăng dần đoạn đường theo từng ngày, mỗi ngày ráng một chút, có khi chỉ là vài trăm mét, rồi nửa cây số, rồi lên một cây số… Cho đến nay, mỗi sáng tôi đạp xe hơn 30 km”.

HLV môn xe đạp mà bố cô nhờ hướng dẫn đã chỉ cho cô thấy việc đạp xe thể thao để tập luyện khác với việc đạp xe đi dạo. Thời gian đạp xe nếu trên một giờ đồng hồ sẽ rất hại cho cơ thể. Khi đạp xe, trọng lượng cơ thể dồn vào vùng kín, nên nếu kéo dài khiến các dây thần kinh chèn ép, máu không lưu thông được, tắc nghẽn mạch máu. Vì vậy nếu thấy không có cảm giác hoặc tê, rần thì Phương ngay lập tức ngừng đạp xe và nghỉ ngơi.

Tốc độ đạp xe khi bắt đầu cô đạp 10 phút đầu khởi động, nhẹ nhàng thoải mái để làm nóng cơ thể, giúp cơ thể có thời gian thích nghi với cường độ đạp khi luyện tập. Dù tập 30 phút hay một tiếng tập thì có thể dành 1/3 khoảng thời gian luyện tập của mình đạp nhanh hết mức có thể. Chính khoảng thời gian đạp nhanh hết sức này mới là lúc rèn luyện thể lực tốt nhất, là lúc bạn luyện tập và nhìn thấy hiệu quả. Để an toàn, cô chọn trang phục dành cho người chuyên đạp xe, đeo những thiết bị bảo hộ như: nón bảo hiểm, găng tay, bao khớp gối, giày thể thao… Khi đạp xe cô luôn ngồi thẳng lưng, guồng chân đạp xe luôn phải đều, hít thở phải nhịp nhàng. Mỗi ngày tăng cường độ dài của cung đường và độ khó của đường.

“Sau 6 tháng đạp xe ròng rã vào mỗi buổi sáng, tôi cảm nhận đùi của mình săn chắc hơn. Đặc biệt, tôi vượt qua các môn thể dục của lớp một cách dễ dàng và mỗi lần đi làm công tác xã hội cả ngày tôi cũng không cảm thấy mệt mỏi như trước nữa”, Phương chia sẻ.

Vận động giúp mang lại cuộc sống khỏe và vóc dáng mãi đẹp xinh
Vận động giúp mang lại cuộc sống khỏe và vóc dáng mãi đẹp xinh

Sau mỗi lần tập luyện, Phương uống một ly nước lọc có pha ít chanh và mật ong, sau đó bắt đầu cho bữa ăn sáng và chuẩn bị trang phục đi học. Cô sinh viên thành phố biển Nha Trang cho biết: “Tôi luôn ăn uống đầy đủ chất, hạn chế tinh bột và uống nhiều nước lọc. Ngoài ra, thường ăn nhiều trái cây và rau củ quả cùng với uống dầu cá”.

Buổi chiều, sau giờ đi học, đi làm thêm về, cô lại dành một một giờ để đến phòng tập gym. Tại phòng tập gym, cô tiếp tục đi bộ hoặc đạp máy và tập tạ. Với việc chú trọng trong chế độ dinh dưỡng và siêng năng đạp xe đạp, kết hợp với tập gym, Khánh Phương sở hữu một hình thể đáng mơ ước với chiều cao 1,7 m, nặng 57 kg và số đo 3 vòng: 85-68-97.

Nguyễn Đình Khánh Phương, sinh năm 1995, cô từng đoạt Á khôi của Đại học Nha Trang.

Theo VNExpress

#MAIDEPXINH.COM

 

Chia sẻ bài viết này

Đăng ý kiến của bạn