Thu nhập không cao nhưng biết cách quản lý tiền nên sống rất dư dả
Thu nhập của tôi không cao, nhưng biết cách quản lý tiền nên sống rất dư dả. Không bao giờ lãng phí dù chỉ là một xu, tiết kiệm tiền đúng đắn mới có thể khiến tiền đẻ ra tiền.
Tôi – một người có tổng thu nhập 15 triệu/tháng, sau 2 năm áp dụng kỉ luật chi tiêu đã tiết kiệm được 250 triệu đồng.
Thu nhập của tôi không cao, nhưng biết cách quản lý tiền nên sống rất dư dả. Không bao giờ lãng phí dù chỉ là một xu, tiết kiệm tiền đúng đắn mới có thể khiến tiền đẻ ra tiền.
Nhắc đến quản lý tài chính, nhiều người thường nhảy dựng lên cho rằng: “Tôi không có tiền, thu nhập thì thấp, thì quản lý tài chính có tác dụng gì đâu”. Thực ra các bạn đã nghĩ nhầm rồi, tiền bạc là thứ cần tích lũy từng chút từng chút một. Đừng nói bạn không có tiền nên không cần quản lý. Ngược lại, cần phải học xong cách quản lý, chi tiêu cho hợp, bạn mới có thể có tiền.
Vậy với những người có thu nhập không cao, họ nên quản lý thu chi của mình như thế nào? Hãy thử áp dụng nguyên tắc của tôi. Một người có tổng thu nhập 15 triệu/tháng, sau 2 năm áp dụng kỉ luật chi tiêu, tôi tiết kiệm được 200 triệu đồng.
1. ĐỪNG BAO GIỜ VAY NỢ
Vay nợ là hình thức mọi người luôn hướng tới mỗi lúc trong tay không còn tiền. Tuy nhiên dù là vay bạn bè, vay người thân hay vay ngân hàng, tất cả đều tồn tại rủi ro. Cách giải quyết dành cho bạn là đừng bao giờ để các khoản chi vượt quá thu nhập cá nhân. Điều này xuất phát từ chính sự cam kết của bản thân tôi đối với chính mình. Có những khi tôi thật sự rơi vào tình cảnh hết tiền, thiếu tiền. Trong đầu nảy ra suy nghĩ vay mượn bạn bè hoặc người thân (tất nhiên vay lẻ, vay số tiền nhỏ) thì lập tức tôi dành cho mình một chút thời gian. Nghiêm túc nhìn nhận việc cần thiết có cần vay nợ hay không? Nếu chưa sở hữu món đồ đó, mình có ‘chết’ hay không, hay nhất định phải vay tiền để mua chúng? Quan điểm của tôi là: Hãy khống chế phần chi trong phạm vi năng lực bạn có thể chống đỡ. Thực tế chứng minh có rất nhiều thứ bạn không cần đến thế. Nếu mua chỉ để thỏa mãn niềm vui chốc lát sẽ khiến bạn hối hận dài dài.
Ngoài ra, tôi luôn chú tâm nhìn vào số dư tài khoản chi tiêu. Căn cứ vào đó để “liệu cơm gắp mắm”, phân chia chi tiêu cho hợp lý. Thay vì tiêu kiểu “mắt nhắm mắt mở”, tới khi chưa hết tháng túi tiền đã cạn sạch.
Bên cạnh đó, hãy học cách quản lý tài chính bằng ghi chép chi tiêu. Bằng cách này, tôi có thể dễ dàng nhìn ra mình đang “vung tay quá trán” cho việc gì, các khoản chi nào là khoản chi không hợp lý.
2. ĐỪNG HAM HỐ THANH TOÁN BẰNG THẺ TÍN DỤNG
Càng ngày càng có nhiều người sử dụng thẻ tín dụng nhưng có một lời khuyên là đừng học theo họ. Đừng sử dụng thẻ tín dụng, trừ khi bạn có nhiều tiền và không bao giờ gặp áp lực phải trả tiền.
Hàng tuần, hàng tháng, tôi luôn nhận được các cuộc gọi chèo kéo của nhân viên ngân hàng với nội dung tôi được hưởng nhiều lợi thế nếu mở thẻ tín dụng… Thật sự, nghe cực hấp dẫn. Nhưng, sự thật là cho tới hiện nay, tôi vẫn chưa chịu thanh toán bằng thẻ tín dụng. Có thể nhiều người sẽ cười cợt, mắng tôi là “tối cổ”, nhưng tôi hiểu rõ thanh toán bằng thẻ tín dụng không phù hợp với tôi. Tôi sợ mình bị cám dỗ và quẹt thẻ không tiếc tay. Cuối cùng lại nai lưng ra trả tiền mỗi tháng, nên tốt nhất “say NO” ngay từ đầu.
Với những người có thu nhập ổn định, cao hoặc trên mức cao, họ tiêu tiền để kiếm được nhiều tiền hơn còn những người thu nhập thấp, tiêu tiền chính là tiêu tiền, áp lực chồng áp lực sẽ khiến bạn rất mệt mỏi.
Hãy nhớ rằng về bản chất, tiền trong thẻ tín dụng vẫn là một khoản vay với lãi suất không nhỏ. Nếu bạn đã không có tiền còn phải gánh thêm chi phí lãi thì liệu bạn tiêu tiền có còn an tâm không.
3. SỬ DỤNG TỪNG ĐỒNG TIỀN CHO MỤC ĐÍCH HỢP LÝ
Nếu bạn nghĩ mình chẳng có mấy đồng nên không cần quan trọng chuyện này thì bạn lại tiếp tục nhầm rồi. Đến tỷ phú thế giới như Warren Buffett còn có thói quen tiết kiệm đó thôi.
Có lần tôi mê một đôi giày cực độ, tôi gửi ảnh cho cô bạn thân, hỏi có nên “xuống tiền” mua đôi giày đó không. Bạn biết cô ấy nói gì với tôi không? “Cậu chỉ có 2 chân, đâu cần nhiều giày tới thế? Khi nào là con rết, nhiều chân thì hãy nghĩ tới việc mua thêm giày để thoả mãn một phút bốc đồng”. Sau lần đó, chúng tôi thoả thuận với nhau, khi có một món đồ nào đó thật sự thích thú. Thay vì mua ngay lập tức, hãy lưu hình ảnh món đồ đó lại. Sau 1-2 tuần, mở ảnh ra xem, nếu vẫn hào hứng, vẫn thấy mình cần – phải – có – chúng, thì hãy mua. Nhờ cách quản lý cảm xúc như vậy, tôi đã biết cách sử dụng đồng tiền đúng mục đích hơn rất nhiều.
Rồi, như đợt thưởng cuối năm, thưởng quý, tự dưng lâu lâu có khoản tiền lớn đổ về tài khoản, tâm lý “xả” rất dễ phát sinh. Nếu chẹp miệng, gật gù vung tiền không suy nghĩ, thì gia tăng tài khoản tích luỹ sẽ dậm chân tại chỗ. Lúc này, bạn cần tỉnh táo, tránh bị “sập bẫy” vì những thú vui thoáng qua như vậy.
Hãy nhớ, góp gió thì mới thành bão, tích từng đồng thì mới thành được khoản lớn. Ở đời nào có mấy ai phất lên chỉ sau một đêm. Đừng bao giờ lãng phí dù chỉ là một xu, học cách tiết kiệm đúng đắn, bạn mới có thể khiến tiền đẻ ra tiền.
4. KIÊN TRÌ VỚI VIỆC TIẾT KIỆM
Bạn nhất định phải trích ra một phần thu nhập cố định mỗi tháng cho quỹ phòng thân. Con số này được khuyên là từ 10% trở lên. Cần tiết kiệm trước khi chi tiêu, chứ không phải tiêu rồi còn dư bao nhiêu thì tiết kiệm.
Khoản tích trữ ấy bạn có thể gửi tiết kiệm online, gửi sổ tiết kiệm ngoài ngân hàng hay đơn giản là bỏ ống heo nhưng quy tắc là không được động đến chúng. Với khoản còn lại sau khi tiết kiệm, hãy phân chia sao cho hợp lý. Nếu làm được như vậy, về lâu về dài bạn sẽ có một khoản tài chính dư ra không nhỏ.
5. QUY HOẠCH CUỘC SỐNG RÕ RÀNG
Mỗi giai đoạn của cuộc đời cần có một quy hoạch khác nhau. Chẳng hạn như khi còn trẻ, bạn dám nghĩ dám làm, bạn không có trách nhiệm nào cần gánh vác, vậy có thể quản lý chi tiêu theo cách phóng khoáng một chút.
Thế nhưng đến một độ tuổi lớn hơn, bạn cần có trách nhiệm với gia đình. Vậy cần cân nhắc phương pháp quản lý tài chính truyền thống hơn.
Thói quen sinh hoạt của mỗi người là khác nhau. Bởi vậy cần căn cứ từ các đặc điểm cá nhân để lập ra kế hoạch tài chính riêng. Đừng áp dụng một cách cứng nhắc phương pháp của người khác lên người mình.
6. KIÊN TRÌ VỚI KẾ HOẠCH ĐỀ RA
Bạn cần xác định ngay từ đầu rằng phương pháp quản lý tài chính của mình cần thời gian để chứng minh hiệu quả. Việc xác định hướng đi chính xác cho dòng tiền của mình. Quy hoạch quản lý tiền tệ cá nhân không phải chuyện một sớm một chiều là xong, mà cần cả đời để hoàn thành.
Khoản dự trữ mỗi tháng cần để riêng ra. Khoản chi cho đầu tư cũng cần ở mức ổn định. Đừng theo được mấy tháng là chán, đồ đạc dùng chán thì bán đi mua lại, mua lại xong chán tiếp tục bán đi.
7. QUAN TÂM ĐẾN TÌNH HÌNH KINH TẾ TRONG NGOÀI NƯỚC
Vấn đề nghe có vẻ vĩ mô nhưng thực tế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống tài chính của chính bạn. Chăm đọc báo, xem thời sự, cập nhật thông tin thay vì dành thời gian cho những thứ vô bổ.
Thu nhập không cao, hãy quản lý tài chính đúng cách. Đó là cách tôi kỉ luật và cam kết với bản thân để tiết kiệm từng đồng!
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị
MAIDEPXINH.COM