Hiểu rõ về cái tôi bản ngã, chân ngã và cái tôi tâm linh
Hiểu rõ về cái tôi bản ngã, chân ngã và cái tôi tâm linh. Bạn đã từng nghe đến cái tôi, bản ngã, chân ngã (hay chơn ngã) và cái tôi tâm linh? Bạn đã từng bối rối không biết phân biệt chúng thực sự khác nhau như thế nào. Bài viết này sẽ chia sẻ đến bạn rõ nét về các khái niệm này, và giúp bạn hiểu rõ quá trình tu hành là tiến trình làm tan vỡ từng lớp một bên trong, từ cái tôi bản ngã, đến chơn ngã, và cả cái tôi tâm linh của bạn.

Trên hành trình tu tập thiền định, phát triển tâm linh và xây dựng cuộc sống, các bạn sẽ nghe nói rất nhiều về “cái tôi”. Ví dụ như người này cái tôi lớn quá, cao ngạo quá, hay người này cái tôi ít, vừa phải, không nhiều bản ngã chi phối.
Cái tôi rốt cuộc là gì?
Bản chất “cái tôi” khi mà người ta nói trong trường hợp trên, đại biểu cho ý nghĩa là người đó có 1 bản ngã – 1 khối tư duy riêng – 1 cá thể tách biệt và phân biệt với các cá thể xung quanh. Bản ngã này thường tự cho mình là tài giỏi, rất cao siêu và đứng trên tất cả các sinh mệnh khác.
Mỗi 1 sinh mệnh khi mới sinh ra ý thức rất hồn nhiên, ngây thơ và chưa có 1 khối bản ngã riêng như vậy. Nhưng trong quá trình sinh sống, sinh mệnh sẽ tiếp nhận vô số vết thương, tư tưởng, ý niệm, cảm xúc từ môi trường / con người xung quanh … dần dần khiến cá thể đó bị thương.
Chính quá trình bị thương này khiến họ dựng lên 1 hàng rào ý thức bên trong họ. Họ bắt đầu đeo mặt nạ và phân tách mình ra khỏi sự sống đang diễn ra xung quanh. Lúc này cái tôi được hình thành.

Cái tôi ở giai đoạn này là 1 tổ hợp của vô số vết thương, ý niệm và cảm xúc điên đảo đã tích lũy và kết tủa trong chính cơ thể họ. Cái tôi này rất không tốt và có thể gây hại, nguy hiểm và ảnh hưởng cho những sinh mệnh xung quanh họ, vì bản chất nó là 1 khối bị thương chứ không phải là 1 bản thể nguyên thủy là chính con người họ 1 cách chân thực.
Mỗi sinh mệnh đi trong đời sống đều cần 1 bản thể để có điểm trụ, để tồn tại và phát triển. Bạn không thể tiến lên nếu bạn không có 1 bản thể để định hướng được.
Tuy nhiên, khi các sinh mệnh bị thương, họ đã vô tình để cho các vết thương chi phối ý thức, nắm quyền điều khiển và điều hướng đi cho chính họ. “Cái tôi bị thương” này tạm thời thay thế cho “cái tôi thực” đang ẩn chứa bên trong bạn.
Cái tôi bị thương chính là bản ngã giả tạm. Cái tôi chân thực chính là chân ngã, hay chơn ngã, hay bản ngã thực.
Và sinh mệnh sẽ đi vào đời sống, tạo ra vô số chuỗi kết quả nhân duyên nghiệp lực đến mức khổ chịu hết nổi, lúc này khi đi đến chung cực của khổ đau, sinh mệnh mới dừng lại, mới đi tìm câu trả lời để trả lời xem: “Tôi là ai?”, “Ý nghĩa và mục đích sống của tôi là gì?”
Hành trình đi tìm lại cái tôi thực – con người nguyên thủy của bạn, bắt đầu từ đây.
Trong suốt quá trình này, “cái tôi bị thương” vẫn đang tạm giai đoạn chiếm quyền điều khiển, nó không dễ dàng buông tay vì nếu nó tan rã đi thì lấy bản thể nào để định hướng, để suy nghĩ, để bước đi trong cuộc sống bây giờ?
Nó cần 1 khoảng thời gian để tìm ra câu trả lời, lĩnh hội, chiêm nghiệm để thấu hiểu vấn đề và va đập liên tục nhân duyên nghiệp quả để tan rã những vết thương tích lũy ra từ từ. Lúc này “cái tôi bị thương” dần mới buông ra, nhường chỗ cho bản thể chân thật trong trú ngụ trong bạn.
Chân ngã hay chơn ngã
Khác với bản ngã, chân ngã là những đức tính tốt đẹp của một vị Phật bao gồm: Từ bi, lòng thương người, thật thà, thiện lành…
Chân ngã khác với những gì mà ta đọc trong sách Đắc Nhân Tâm. Trong Đắc Nhân Tâm dạy người ta phải cố “gồng mình” thể hiện những đức tính cao đẹp trong khi sâu trong thâm tâm họ thì không muốn như vậy hoặc không thoải mái khi làm như vậy.
Chân ngã thể hiện một cách rất tự nhiên mà không cần phải gồng mình. Một người tu tập tinh tấn, họ sẽ có những đức tính ấy một cách tự nhiên, không gượng ép. Những đức tính ấy như một phần trong họ, nó từ bên trong biểu lộ ra bên ngoài.
Không có thực hành Chân ngã, chỉ có thực hành thiền định, tu tập, hóa giải những năng lượng tồn đọng, “cái tôi” hay bản ngã tan biến thì Chân ngã sẽ tự xuất hiện.
Cái tôi tâm linh là gì?
Khái niệm “cái tôi tâm linh” chỉ đơn giản là sự biến thể của vết thương trong bạn, giống như trong phim Tây Du Ký – Tôn Ngộ Không giả cũng đủ 72 phép biến hóa vậy. Nó có thể giả mạo Tôn Ngộ Không thật cực kỳ tinh vi mà chỉ có Phật Tổ mới phân biệt được.
Nó biến đổi trạng thái “cái tôi bị thương” to đùng ban đầu, dễ dàng thấy nhất dần dần chuyển sang thành “cái tôi cực kỳ vi tế” – ẩn tàng sâu thẳm trong cơ thể, tiềm thức của chính sinh mệnh đó.

Nó có thể sâu đến độ chính sinh mệnh đó cũng không biết sự tồn tại của trạng thái vết thương vi tế này.
Đặc biệt là những bạn đang đi trên con đường tu hành, thiền định, , chữa lành, phát triển tâm linh… mà chưa đến nơi triệt để (trạng thái bản chất) rất dễ bị đồng hóa mình với những trạng thái, năng lực hay những trải nghiệm tâm linh, cho rằng những điều tâm linh đó chính là bản thể mình.
Trạng thái đồng hóa này vô tình nuôi dưỡng cái tôi bị thương trong họ ngày càng lớn mạnh mà chính họ cũng không hay biết.
Quá trình hình thành cái tôi chân thực
Sau 1 thời gian dài khi bạn đã tu hành, đã chữa lành và sống hết mình với cuộc sống, dần dần bạn sẽ nhận ra ngoài “cái tôi bị thương”, bạn còn có 1 trạng thái khác, gọi là con người thực của chính bạn.
Con người thực này cũng có 1 khối bản ngã – khối bản thể này là con người nguyên thủy của chính bạn từ lúc bạn chào đời, bạn đã có phần nguyên thủy trời sinh này. Ông bà mình có câu: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.
Câu nói đó là để ám chỉ con người nguyên thủy này, phần tính cách bản chất, không bị pha tạp bởi những vết thương mà bạn đã dung nạp vào trong cơ thể.
Nó luôn tồn tại ẩn sâu trong trái tim, trong ý thức của chính bạn. Chỉ là khi mức độ vết thương quá nhiều, nó sẽ lấn át phần này, khiến phần này bị đè nén, chèn ép và rớt vào trạng thái ngủ say.
Phần tính cách chân thật này theo thời gian khi được bạn chấp nhận, nhận biết và chăm sóc để hồi phục lại. Nó không những chỉ hồi phục mà còn bắt đầu phát triển theo thời gian nhận biết của chính bạn.
Đây mới thực sự được xem là bản ngã chân thực – còn cái tôi bị thương kia chỉ là bản ngã giả, tạm thời điều khiển chứ không phải thực bạn ạ. Trước khi bạn tìm ra phần bản ngã chân thực này, nói thật là trước đó bạn hầu như chưa có bản ngã.
Bản ngã – là bản thể cốt lõi của con người, nói theo đúng nghĩa đen của nó. “Cái tôi bị thương” chưa tính là bản ngã, vì nó là giả tạo và không trọn vẹn, có nhiều khuyết điểm trong chính nó.
Bạn chỉ có bản ngã, tính từ thời điểm bạn tìm ra con người chân thực trong bạn. Trước đó bạn sống chỉ lay lắt như 1 bóng ma mà thôi bạn ạ. Và trong bạn lúc đó có 1 khối bị thương tạm thời điều hành và định hướng đi cho bạn.
Từ lúc bạn tìm ra con người nguyên thủy này, lúc này bạn mới được xem là có bản ngã – có bản thể – trở thành 1 con người hoàn thiện và trọn vẹn.
Tiến trình tu hành cái tôi trong bạn
Ban đầu bạn được xem như là chưa có bản ngã, bạn chỉ là 1 khối bị thương đang loay hoay đi tìm lại con người mình. Đến khi bạn tìm ra được con người chân thật, nguyên thủy trong mình. Lúc này bản ngã chân thật bắt đầu hình thành, nuôi dưỡng và phát triển.

Bạn sẽ nuôi dưỡng và phát triển bản ngã chân thật này đến đỉnh điểm viên mãn, cứng chắc và tinh khiết như kim cương, như pha lê luôn bạn nhé. Bản ngã chân thật cần được nuôi dưỡng đến viên mãn, phát triển triệt để.
Sau đó khi đủ nhân duyên, khi tu hành đến chung cực, liễu ngộ bản chất của cuộc sống tất cả đều xuất phát từ chung 1 cội nguồn, hiểu rõ những quy luật vận hành trong thế giới này, lúc này bản ngã nguyên thủy này tan vỡ.
Cơ thể và ý thức trong bạn trở về trạng thái “Chân không niết bàn” – Trạng thái chung cực của con đường tu hành – nơi cội nguồn mà mỗi sinh mệnh được sinh ra và đi xa đến kiếp sống hiện tại.
Khi đó có thể nói bạn đã tu hành viên mãn, hoàn toàn ra khỏi tam giới luân hồi, thoát ly sinh tử và ý thức trở về trạng thái vĩnh hằng trong chính cơ thể bạn.
Tóm tắt lại quá trình tu hành (tan vỡ từng lớp một) theo tuyến trình sau:
1- Tan ra bản ngã bị thương đang chi phối ý thức và cơ thể bạn.
2- Tìm ra bản ngã chân thật (con người nguyên thủy của chính bạn).
3- Nuôi dưỡng bản ngã chân thật và phát triển nó đến tầng cao nhất.
4- Tan ra bản ngã chân thật.
5- Trở về trạng thái “Chân không niết bàn” (hoàn toàn trở về ngôi nhà bản chất trong con người bạn, hay trở về nguồn)
Cuối cùng cám ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết này. Hy vọng những chia sẻ nhỏ tại đây sẽ hữu ích cho con đường tu tập và trở về nhà của chính bạn.
Kiều Mạnh
MAIDEPXINH.COM