3 quyết định thay đổi tài chính của bạn

3 quyết định thay đổi tài chính của bạn

3 quyết định thay đổi tài chính của bạn
3 quyết định thay đổi tài chính của bạn

Tony Robbins cũng là tác giả các cuốn sách Unlimited Power và Awaken the Giant within. Ảnh: Tony Robbins

Không còn gì tệ hơn việc bạn giàu có mà phải thường xuyên cáu kỉnh và không hạnh phúc.

Đó là kết quả từ một cuộc sống thiếu cân bằng của những con người có quá nhiều tham vọng và không biết trân trọng những gì mình đang có. Nếu không có lòng biết ơn và sự trân trọng đối với những thứ đó, bạn sẽ chẳng bao giờ hài lòng. Nhưng làm thế nào để có được sự cân bằng trong cuộc sống? Thành công liệu có nghĩa lý gì khi nếu cuộc sống thiếu đi sự cân bằng?

Trên Entrepreneur, Tony Robbins (Mỹ) – diễn giả, người huấn luyện nổi tiếng với các bài học thay đổi đuộc đời và việc kinh doanh đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề trên.

Trong gần 4 thập kỷ qua, tôi đã đào tạo cho rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, bao gồm cả những người quyền lực nhất thế giới. Tôi từng làm việc với các tổng thống Mỹ, và cả các giám đốc doanh nghiệp nhỏ.

Với kinh nghiệm của mình, tôi nhận ra rằng, nhìn chung, có ba quyết định quan trọng trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi người. Nếu đưa ra những quyết định này một cách vô thức, sớm muộn bạn cũng sẽ có kết cục như đa số mọi người – suy yếu cả về thể chất lẫn tinh thần và luôn bị áp lực về tài chính. Nhưng nếu được thực hiện đúng đắn, chúng sẽ thực sự thay đổi cuộc đời bạn từ bây giờ.

Quyết định số 1: Tập trung vào đúng việc

Mỗi phút đều có cả triệu thứ nhảy vào tâm trí của bạn. Bạn có thể tập trung cho những gì đang diễn ra, dự định trong tương lai, hay cũng có thể là những điều trong quá khứ.

Bạn tập trung cho việc gì thì sẽ dồn năng lượng của mình cho việc đó. Công việc bạn lựa chọn và cách bạn thực hiện nó sẽ quyết định cuộc sống của bạn.

Bạn muốn tập trung vào cái nào hơn: Nhứng thứ bạn có hay những thứ bạn còn thiếu? Chắc chắn là bạn đều đã nghĩ đến cả hai điều trên. Nhưng hãy thử ngẫm lại xem, bạn có xu hướng dành phần lớn thời gian cho cái nào?

Thay vì cứ mãi rầu rĩ về những gì mình không có và ghen tị với những người giàu có hơn mình, có lẽ bạn cần hiểu rằng bạn nên biết ơn về rất nhiều thứ: sức khỏe, trí tuệ, gia đình, bạn bè và những cơ hội… Cho dù chúng chẳng liên quan gì tới vấn đề tiền bạc.

Tập thói quen trân trọng những gì mình đang có sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng và trở nên giàu có về mặt tinh thần. Nhưng câu hỏi đặt ra là, bạn có thực sự cảm thấy biết ơn từ tận đáy lòng mình? Đó mới chính là khi bạn có được niềm vui và niềm hạnh phúc đích thực.

Bây giờ hãy xem xét một khía cạnh khác mà sự tập trung có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn. Đó là bạn quan tâm tới những thứ có thể hay không thể điều khiển?

Nếu cứ tập trung vào những thứ mình không có khả năng kiểm soát, bạn sẽ chỉ tự chuốc lấy căng thẳng, mệt mỏi mà thôi. Bạn có thể tác động tới nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhưng thường không thể làm chủ được chúng.

Sau đó, một khi đã tìm được hướng tập trung đúng đắn, não bạn sẽ phải đưa ra một quyết định khác.

Quyết định số 2: Xác định ý nghĩa của sự việc

Việc bạn cảm nhận thế giới thế nào chẳng thể thay đổi những gì đang diễn ra hay cải thiện tình hình tài chính của bạn. Chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận những sự việc xảy đến với mình. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều không ý thức được tầm ảnh hưởng của điều này.

Trước mỗi sự kiện gây ra xáo trộn cho cuộc sống của bạn (tai nạn giao thông, bệnh tật hoặc mất việc…), bạn nghĩ đó sẽ là dấu chấm hết hay là một sự khởi đầu mới? Nếu ai đó tiếp cận bạn, bạn nghĩ người đó sẽ có ý xúc phạm, khuyên bảo hay thật lòng quan tâm tới mình? Khi một vấn đề nghiêm trọng xảy ra có nghĩa là Chúa đang trừng phạt hay thử thách bạn? Chuyện không hay đó có khi nào lại là một món quà bất ngờ không?

Cuộc sống mang ý nghĩa mà bạn gán cho nó. Chúng ảnh hưởng đến cảm xúc và làm nên chất lượng cuộc sống cho bạn.

Đây là câu hỏi tôi thường đưa ra trong các buổi hội thảo: “Những ai ở đây luôn thấy phiền muộn dù đã dùng thuốc chống trầm cảm?”. Thông thường sẽ có 85-90% số người tham dự giơ tay.

Sao lại như thế? Thuốc đáng lẽ phải khiến người ta cảm thấy khá hơn chứ. Trên thực tế, ngay trong hướng dẫn sử dụng cũng ghi rõ tác dụng phụ là khiến người uống có ý định tự sát.

Dù có uống bao nhiêu thuốc, nhưng nếu một người cứ mãi dày vò bản thân về những điều mình bỏ lỡ và không thể kiểm soát, thì tất yếu dẫn đến cảm giác tuyệt vọng. Thậm chí, chỉ cần anh ta có thêm suy nghĩ “Cuộc đời này thật chẳng đáng sống”, thì đến thuốc chống trầm cảm cũng sẽ trở nên vô dụng.

Nhưng nếu người đó có thể tìm thấy lẽ sống mới, một lý do để tồn tại hay niềm tin vào cuộc sống, thì anh ta sẽ trở nên kiên cường hơn bất cứ lúc nào.

Khi suy nghĩ con người thay đổi, ý nghĩa cuộc sống cũng sẽ thay đổi. Thậm chí, điều này còn có tác động làm biến đổi các yếu tố sinh hóa của người đó chỉ trong thời gian ngắn.

Vậy nên, hãy làm chủ bản thân và phải luôn nhớ rằng: Suy nghĩ tạo nên cảm xúc và cảm xúc tạo nên cuộc đời. Hãy chọn lựa một cách khôn ngoan. Tìm ra ý nghĩa tích cực cho mỗi sự việc, và sự giàu có sẽ ở bên bạn.

Sau khi đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống và làm chủ cảm xúc, bạn sẽ tiếp tục phải đứng trước một quyết định khác:

Quyết định số 3: Hành động như thế nào?

Hành động bị chi phối mạnh mẽ bởi trạng thái cảm xúc. Khi tức giận, bạn sẽ cư xử khác với khi vui vẻ hay lúc bị tổn thương. Nếu bạn muốn kiểm soát hành động của mình, cách nhanh nhất là nhìn nhận sự việc một cách tích cực hơn.

Hai người cùng trong trạng thái tức giận sẽ có thể có những cách hành xử khác nhau. Có người nhẫn nhịn, nhưng có người sẽ làm tới. Một số người biểu lộ sự tức giận rất nhẹ nhàng, trong khi số khác thì lại chọn cách la lối hay động chân động tay. Nhưng cũng có những người cố nín nhịn để tìm cơ hội giành lại thế thượng phong hoặc thậm chí là trả thù.

Vậy đâu là nguyên nhân cho những sự việc trên? Con người thường có xu hướng làm giống những người mà họ yêu thương, kính trọng; và bài xích những người làm họ nản lòng hoặc tức giận. Nhưng sẽ có nhiều lúc bạn thấy mình đang xử sự theo đúng cách mà bạn đã từng cảm thấy cực kỳ khó chịu khi chứng kiến người khác làm.

Bạn nên tự ý thức được bản thân hành xử thế nào khi rơi vào trạng thái nản lòng, tức giận hay cô đơn. Bạn chẳng thể thay đổi được cách cư xử nếu không nhận thức được chúng.

Cuối cùng, khi đã ý thức được sức mạnh của ba quyết định trên, hãy bắt đầu tìm kiếm cho mình một hình mẫu – người đã đạt được những điều bạn mong muốn, và học tập họ. Chắc chắn những người khôn ngoan và tỉnh táo sẽ luôn có sự tập trung và cái nhìn về thách thức hoàn toàn khác những ai chỉ thích gây gổ.

Điều này không hề khó. Chỉ cần bạn nhận ra được sự khác biệt trong cách mọi người thực hiện ba quyết định trên, bạn sẽ tìm ra được con đường để làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn.

Hà Tường

MAIDEPXINH.COM
(Sưu tầm)

Chia sẻ bài viết này

Đăng ý kiến của bạn