Nước ngọt ảnh hưởng kết quả xét nghiệm nhanh Covid-19?
Nhiều học sinh, sinh viên tại Anh cho biết việc uống nước ngọt có ga có thể khiến họ phải nhận kết quả xét nghiệm nhanh ‘dương tính giả’ với SARS-CoV-2 (vi rút gây bệnh Covid-19).

Một nhóm nghiên cứu quy tụ nhiều nhà khoa học ở Anh mới đây tuyên bố rằng:
Trong vòng 30 phút trước khi làm xét nghiệm chẩn đoán nhanh Covid-19 (tức xét nghiệm kháng nguyên), mọi người không nên tiêu thụ các loại nước ngọt để đảm bảo không ảnh hưởng đến kết quả.
Trước đó, nhiều học sinh, sinh viên tại Anh cho biết việc uống nước ngọt có ga có thể khiến họ phải nhận kết quả “dương tính giả” với virus SARS-CoV-2.
Sau đó, nhóm học giả Anh đã thực hiện liên tục nhiều thử nghiệm nhằm đánh giá khả năng gây “dương tính giả” của 13 loại nước giải khát phổ biến khác nhau và 1 loại nước suối. Kết quả cho thấy mẫu nước suối duy nhất và 3 loại nước giải khát (chủ yếu là nước trái cây nguyên chất) cho kết quả âm tính với Covid-19 sau khoảng 30 phút kiểm tra bằng que xét nghiệm nhanh. Trong khi 10 loại nước uống còn lại thì cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Nhóm tác giả cũng cho biết các mẫu đồ uống cho kết quả “dương tính giả” đều giống nhau về lượng đường và độ pH. Kết quả nghiên cứu hiện đã được công bố trên chuyên trang Medrxiv và đang được tiếp tục đánh giá chuyên môn.
Theo Thanh Niên
MAIDEPXINH.COM
THAM KHẢO THÊM >>>
TEST NHANH KHÁNG NGUYÊN VÀ XÉT NGHIỆM REALTIME RT-PCR TRONG CHẨN ĐOÁN COVID-19
Hiện nay, xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR và test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 là 2 phương pháp đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện để chẩn đoán COVID-19. Tuy nhiên, mỗi phương pháp lại có những ưu nhược điểm khác nhau và tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, diễn biến lâm sàng mà sử dụng một hay cả hai loại xét nghiệm trên.
Test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 là gì?
Test nhanh kháng nguyên là xét nghiệm chẩn đoán nhanh RDT (Rapid diagnostic test) giúp phát hiện sự hiện diện protein đặc hiệu của virus (hay còn gọi là kháng nguyên) COVID-19 có trong mẫu dịch đường hô hấp của người bệnh (dịch tỵ hầu, dịch tiết đường hô hấp). Các kháng nguyên sẽ được phát hiện khi virus SARS-CoV-2 đang nhân lên với số lượng nhất định.
Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, có kết quả chỉ sau 15-30 phút, cho phép nhanh chóng phát hiện người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, test nhanh kháng nguyên có độ nhạy thấp hơn phương pháp realtime RT-PCR, cho kết quả âm tính dướng tính giả khá cao.
Xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR
Xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR là phương pháp xét nghiệm xác định sự hiện diện của virus thông qua phát hiện vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2. Phương pháp này hiện đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới với độ chính xác rất cao.
Để thực hiện xét nghiệm realtime RT-PCR, bệnh nhân sẽ được lấy dịch đường hô hấp bằng que lấy mẫu chuyên biệt, tại các vị trí:
– Dịch đường hô hấp trên: Dịch họng, dịch tỵ hầu, dịch súc họng.
– Dịch đường hô hấp dưới: Đờm, dịch phế nang, dịch nội khí quản, dịch màng phổi, tổ chức phổi, phế quản, phế nang.
Mức độ hiệu quả của test nhanh kháng nguyên và xét nghiệm realtime RT-PCR trong chẩn đoán Covid-19
>>> Với phương pháp test nhanh kháng nguyên
Mức độ hiệu quả của xét nghiệm test nhanh kháng nguyên phụ thuộc một số yếu tố như thời gian từ khi phát bệnh, nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm, kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm, chất lượng của thuốc thử trong que thử…
Do đó, việc thực hiện test nhanh kháng nguyên có thể gặp phải một số trường hợp người bệnh mới mắc COVID-19, lượng virus chưa nhân lên với số lượng lớn, dẫn tới kết quả test nhanh âm tính trong khi họ đã mắc bệnh.
Ngoài ra, nhiều trường hợp test nhanh còn cho kết quả dương tính giả nếu các kháng thể trên que thử nhận ra các kháng nguyên của virus khác không phải kháng nguyên của COVID-19, như virus gây ra cảm cúm thông thường.
Test nhanh tuy đã được cải thiện nhưng test vẫn có độ nhạy và độ đặc hiệu

thấp, kết quả dương tính giả và âm tính giả tương đối. Vì vậy, phương pháp này không dùng để xác định bệnh nhân có nhiễm bệnh hay không mà phải dùng phương pháp realtime RT-PCR để khẳng định kết quả.
Chính vì vậy, xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên virus SARS-CoV-2 chỉ dùng để hỗ trợ sàng lọc, giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc COVID-19 ở các vùng có nguy cơ cao. Từ đó, giúp sàng lọc, khoanh vùng các trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm để áp dụng biện pháp xư trí phù hợp.
>>> Với phương pháp realtime RT-PCR
Phương pháp này được chỉ định cho người bị phơi nhiễm trong 21 ngày hoặc dùng theo dõi quá trình điều trị các bệnh nhân đã nhiễm Covid-19.

Trên thực tế có nhiều trường hợp xét nghiệm COVID-19 cho kết quả 2 -3 lần đầu là âm tính, lần tiếp theo lại dương tính. Lý giải về điều này, có 2 lý do: Thứ nhất, những ngày đầu mới nhiễm bệnh, số lượng virus nhân lên chưa đủ lớn và xuất hiện nhiều trong dịch đường hô hấp. Mặc dù cơ thể đã nhiễm bệnh nhưng vẫn cho kết quả xét nghiệm âm tính. Thứ hai, do kỹ thuật lấy mẫu, điều kiện lấy mẫu chưa chuẩn, quá trình vận chuyển, bảo quản mẫu xét nghiệm không đúng cách nên kết quả xét nghiệm không chính xác.
Chính vì vậy, xét nghiệm tìm virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR phải làm ở các cơ sở có đầy đủ điều kiện chuẩn về phòng ốc, máy móc, chuyên môn bác sĩ cũng như kỹ thuật viên.