Vẻ tinh khôi của hoa sen

Hoa sen hồng cứ tháng 5-6 hạ về lại nở rộ từ Bắc chí Nam. Đây là loài hoa tượng trưng cho phẩm cách người Việt vươn lên mọi hoàn cảnh và được đề cử là quốc hoa Việt Nam.

Thăng trầm cùng lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, hoa Sen đã trở thành biểu tượng không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam. Sen đã đi vào lòng người Việt với nhiều giá trị về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, mỹ thuật, ẩm thực…

Vẻ tinh khôi của hoa sen

Hoa sen được ghi nhận có mặt trên trái đất khoảng 100 triệu năm trước và có nhiều màu như hồng, trắng, vàng, đỏ, xanh. Ở Việt Nam phổ biến nhất loài sen hồng, sen trắng.
Miền Bắc sen nở vào mùa hạ, còn vùng Đồng Tháp Mười hoa khoe sắc quanh năm. Mỗi người dân Việt Nam đều thuộc lòng câu thơ của Bảo Định Giang: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Video vẻ đẹp hoa sen vải trong trang trí nội thất

Hoa Sen còn xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình và mỹ thuật, hầu như ở thời nào cũng được các nghệ nhân thể hiện tại các nơi thờ tự hoặc ở các công trình văn hóa của cộng đồng. Sen được khai thác, phản ánh dưới nhiều góc độ bố cục khác nhau, xuất hiện xuyên theo chiều dài của lịch sử dân tộc qua những công trình kiến trúc của các triều đại như Đinh – Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, Lê Sơ…

Đặc biệt, người Việt còn đưa Sen lên đỉnh cao của văn hóa ẩm thực. Các bộ phận trên bông hoa Sen được biến chế thành những món ăn đặc trưng, mang đậm hương vị Việt Nam như gỏi ngó sen, mứt sen, trà sen, chạo sen, bánh tráng trộn ngó sen, xôi sen, chè sen nhãn nhục, chè sen hoa cúc, trà sen thảo dược, rượu sen, hạt sen, kẹo sen…

Thêm vào đó, Sen còn có tác dụng chữa bệnh. Tâm sen là phần rất quý, có tác dụng chữa được nhiều bệnh. Tâm sen có màu xanh, y học cổ truyền gọi tâm sen là liên tâm hay liên tử tâm,chúng có vị đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh tâm, an thần, chữa mất ngủ, chữa khát nước sau khi sinh đẻ do hư nhiệt, giải nhiệt, trừ cảm nắng.

Hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp cao sang mà thuần khiết của dân tộc Việt. Ca dao có câu: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Loài hoa này cũng tượng trưng cho vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ Việt: Cổ tay em trắng như ngà/ Đôi mắt em liếc như là dao cau/ Nụ cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam cũng được ví như hoa sen lam lũ, nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh, giữ được toàn hương, toàn sắc.
Sen hồng là loài có màu hồng tươi tắn, số lượng cánh đều, hương thơm vừa phải. Loài này còn có tên sen Việt, sen ta, cho bông rất nhiều và thường được người dân trồng để lấy hạt.
Sen có một sức sống mạnh mẽ đến kỳ lạ, suốt những tháng mùa lạnh nó ủ mình trong bùn lầy, chỉ đợi ánh nắng ấm áp đầu hè và những cơn mưa rào đổ xuống là bừng dậy tràn trề sức sống: Sen vẫn thế, âm thầm và lặng lẽ/ Rồi một mai, bừng sáng giữa khung trời/ Từ sâu thẳm chốn bùn lầy đất mẹ/ Ngát hương thơm, nét đẹp chẳng phai phôi.
Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân (Truyện Kiều, Nguyễn Du). Ở Việt Nam, sen được xếp vào bộ tứ quý (4 mùa) gồm lan, sen, cúc, mai.
Cùng giống sen hồng, sen Hồ Tây đã đi vào đời sống người Hà thành. Tháng 3, tháng 4 trong nhà phải có một bình hoa loa kèn, để rồi sang tháng 5, tháng 6 phải đặt một bình sen, mà nếu là sen Hồ Tây mới được chuộng.
Sen Hồ Tây là một giống sen bắt nguồn của đầm Trị, cạnh phủ Tây Hồ, hiện nay được nhân giống trồng nhiều vùng miền ở miền Bắc.
Loài sen này nhiều cánh, lâu tàn, hương thơm lâu hơn sen ta và có màu hồng phớt.
Sen Hồ Tây quý hơn vì có rất nhiều hạt gạo – thứ duy nhất trong bông sen dùng để ướp trà, làm nên loại trà sen thanh tao của người Hà thành. Giá mỗi cân chè ướp sen từ 5 đến 7 triệu đồng nhưng vẫn không đủ để bán.
Như sen hồng, sen trắng tinh khôi, bình dị cũng phổ biến trong đời sống người Việt. Hoa sen trắng, biểu tượng của Phật giáo Việt Nam: Sống đời đức hạnh thanh cao/ Như hoa sen trắng đẹp màu yêu thương.

Hoa Sen có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh và văn hóa của người Việt. Mặc dù sinh ra trong bùn lầy nhưng Sen không bị ô nhiễm mà còn có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh sống, vì hoa Sen hễ mọc ở nơi nào sẽ làm cho nước đục nơi đó lắng trong.

Hoa Sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo của Phương Đông, trang trí hoa Sen được ứng dụng rất nhiều với các đài hoa Sen, bệ tượng Phật bằng hoa Sen, kiến trúc hình hoa Sen. Trong Phật giáo, hoa Sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển Phật pháp, trí tuệ dẫn đến niết bàn. Trên thế giới ít loài hoa nào có nhiều phẩm chất cao quý như hoa Sen. Bởi vậy nhà Phật ví nó như những đức tính của người tu hành.

[MAIDEPXINH.COM]

 

Chia sẻ bài viết này

Đăng ý kiến của bạn