Vũng Tàu: Thành phố tôi yêu
Tôi viết về Sài Gòn, về Đà lạt…về những nơi bước chân mình đã từng ghé qua. Vậy mà thành phố tôi sống, gắn bó và yêu mến như chính quê hương mình thì thỉnh thoảng mới có vài dòng cảm xúc “như gió thoảng qua” thôi. Phải chăng những gì thương yêu và gần gũi nhất ta cứ muốn để dành, để còn mãi đó nỗi trăn trở, nợ nần với nơi chốn mình chọn làm bến đỗ của cuộc đời?
Tôi đến Vũng Tàu vào một ngày đầy nắng gió giữa mùa khô năm 1981. Ở miền Bắc những ngày này chỉ có mưa phùn và từng cơn gió lạnh thấu xương hun hút thổi. Tôi nhớ sau khi cầm quyết định phân công công tác của Tổng cục dầu khí trong tay, biết mình sẽ chuyển vào Vũng Tàu, ngày nào tôi cũng chăm chú nghe chương trình “Dự báo thời tiết” của Đài TNVN và hân hoan tưởng tượng cái khung cảnh gió lộng trời trong, khí hậu ấm áp của phương Nam – mảnh đất tôi chọn làm nơi lập nghiệp. Và Vũng Tàu đúng như trong hình dung của tôi: một không gian khoáng đạt, trời cao xanh, biển sóng mênh mông… Đứng trước biển, hít căng lồng ngực vị mặn mòi của sóng, của gió, tôi cứ muốn hét to lên để mọi người cùng chia sẻ niềm phấn khích của một kẻ đến từ xứ lạnh trước một vùng đất mới mà sao đã thấy dường như quá đỗi thân quen.
Vũng Tàu những năm 80 cũng như nhiều thành phố khác ở các tỉnh lẻ của miền Nam còn mang nhiều vẻ hoang sơ, vắng lặng chứ chưa hiện đại như bây giờ. Chưa có những đại lộ, chưa nhiều nhà cao tầng, khu dân cư đông đúc…nhưng đổi lại là nét đẹp dung dị của những bãi tắm sạch, những con đường nhỏ yên tĩnh quanh co vòng núi Lớn, núi Nhỏ ngày đêm ì oạp tiếng sóng vỗ và tiếng gió rì rào trên những hàng cây.
Chiều đạp xe vòng bãi Trước bãi Sau, thấy lòng mình thật bình an thanh thản với cảnh vật và con người ở một đô thị nhỏ, nhịp sống chậm, êm đềm với tiếng chuông chùa, với từng góc phố, từng con đường ven biển có hàng dương rạp mình trong gió.
Bãi Trước ngày ấy chưa phải là công viên, chưa có nhiều nhà hàng, khách sạn, chỉ là một bãi cát dài tương đối trống trải với những hàng dừa ngả mình vươn về phía biển. Tôi rất thích những cây dừa mọc nghiêng nghiêng này, hễ có dịp là chúng tôi đua nhau chụp hình ở đó. Hàng dừa nghiêng, những bãi đá mấp mô, con đường quanh co uốn lượn có những chỗ bị xói mòn bởi sóng biển…là một hình ảnh đặc trưng của Vũng Tàu thời ấy – chưa có nhiều sự can thiệp của bàn tay con người. Giờ thành phố to đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng sao nhiều lúc tôi vẫn bâng khuâng nhớ cảnh hoang sơ cũ, phải chăng mình thuộc “típ” người hoài cổ…thấy cái gì ngày xưa cũng đẹp (!).
Tôi nhớ mình đã ngạc nhiên đến sững sờ khi nhìn thấy màu tím bát ngát của những vạt hoa muống biển mọc san sát trên bãi Sau. Hồi đó người ta chưa có dịch vụ cho thuê dù, thuê ghế bố như bây giờ. Bãi Sau sạch và vắng với những dải cát dài và rất nhiều cây muống biển hoa tím, lá xanh rì bò ngoằn nghèo, có nơi sát tận mép nước. Chúng tôi đi tắm biển chỉ cần mang theo mảnh ni-lông hoặc vài tờ báo. Vùng vẫy dưới nước chán thì lên bãi muống biển trải báo ra góp đồ ăn cùng vui chung. Thức ăn thường là dăm củ mì nướng, vài bắp ngô, khoai lang luộc, có người mang cả cơm chiên. Sao hồi đó ăn gì cũng thấy ngon lạ. Có lẽ sau quãng đời sinh viên ở Hà Nội với triền miên cơm độn, hạt bo bo…thì với chúng tôi những bữa ăn bình thường ở Vũng Tàu có cá biển, rau xanh là cả một bữa tiệc. Ngày mới đến nhận công tác ở Công ty dầu khí 2, tôi và Mai Hương (cựu sinh viên khoa Nga) còn ăn chung một suất cơm tập thể để tiết kiệm tiền mua quần áo mới. Cuộc sống ngày ấy đạm bạc, đơn sơ nhưng lũ chúng tôi đứa nào cũng tươi roi rói, có lẽ nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên nơi thành phố biển này.
Ở Việt Nam, Vũng Tàu là một trong những nơi thuộc loại hiếm hoi vì có địa hình độc đáo: vừa có núi, vừa có biển. Người dân miền Nam trước giải phóng gọi Vũng Tàu là Ô-cấp. Trong tiếng Pháp “Cap” nghĩa là mũi đất. Trên trực thăng nhìn xuống, Vũng Tàu đúng là một mũi đất nhô ra, ba mặt giáp biển, chỉ có một con đường độc đạo từ thành phố Hồ Chí Minh đi xuống. Hồi mới giải phóng, để “đón lõng” những người vượt biên, công an chỉ cần chặn cầu Cò May (một cây cầu vào thành phố Vũng tàu) là bắt được hết mà chẳng cần phong tỏa nhiều vị trí.
Tôi may mắn có lần được đi máy bay trực thăng ra giàn khoan. Từ trên cao nhìn xuống, Vũng Tàu đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Cũng như nhiều người dân sinh sống ở thành phố này, có thời kỳ chúng tôi đi leo núi hàng ngày thay vì tắm biển. Lên cao với rừng cây tán lá dày đặc, âm u, nghe gió réo ù ù cũng có cái cảm giác thú vị của người sống ở vùng sơn cước. Đường lên núi Lớn có những cây cổ thụ to, tiếng chim hót ríu ran, có cả tiếng kêu của mấy chú sóc nhỏ chuyền cành ngó nghiêng khách bộ hành. Trên núi Lớn có cả một rừng thông mà người dân ở đây gọi là “Rừng thông Ca-ri-bê”, hai bên đường mùa xuân hoa Anh Đào khoe sắc rực rỡ. Tôi rất thích những khoảnh khắc đứng ngắm thành phố từ trên cao vào buổi hoàng hôn. Phía biển vẫn còn le lói chút nắng muộn mà rừng cây phía núi đã chuyển sang màu tím sẫm và thành phố bắt đầu lên đèn.
Có lần người bạn leo núi cùng đã thốt lên: Chị xem kìa, Vũng Tàu mình đẹp kém gì Singapore đâu! Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu cho tôi được chọn chắc chắn tôi sẽ chọn sống ở thành phố biển nhỏ bé đáng yêu này của chúng tôi mà từ chối đất nước Singapore đẹp đẽ và tráng lệ. Bởi nơi đây, dẫu chưa giàu, chưa hiện đại nhưng thiên nhiên và con người hòa làm một, thật gần gũi, thật thân quen như chính mỗi ngôi nhà của bạn. Nơi đây, bạn có thể ung dung thả bộ trên những con đường đầy hoa sứ rụng, bạn có thể đạp xe từ từ trong khung cảnh yên bình của núi non, sóng nước, bạn có thể đến một quán café thả hồn theo từng nốt nhạc hay có thể mê mải cùng đám bạn bè dã ngoại trong một khoảnh rừng vi vút tiếng thông reo…
Giờ đây, cũng như nhiều thành phố khác, Vũng Tàu xô bồ hơn, náo nhiệt hơn với quán bar, vũ trường, nhà hàng, khách sạn…Chiều chiều muốn đi hóng gió ở bãi Trước nhiều khi phải chen chúc cùng khách du lịch. Không còn nhiều những không gian yên tĩnh. Bãi tắm lúc nào cũng tấp nập đầy người, võng, dù, ghế bố…nhan nhản chiếm hết cả lối đi. Tuy nhiên, nếu bạn là dân bản địa (như chúng tôi) thì vẫn có thể tìm cho mình những khoảnh khắc thanh bình yên ả. Vũng Tàu vẫn còn đó những khu vườn rợp bóng cây xanh, có cả ao cá để thả câu thư giãn, vẫn có những quán café với nhạc xưa dìu dặt, những lối nhỏ đầy hoa, hàng trăm ngôi chùa cổ kính đón khách thập phương mỗi độ Xuân về…
Tôi có thói quen cứ sáng mồng Một Tết hàng năm là xuất hành lên chùa trước hết. Cõi Phật mang đến cho người ta sự thư thái, tĩnh tâm không chỉ ở trong sách kinh mà còn qua cảnh vật của chốn tu hành. Có lẽ không nơi nào nhiều chùa chiền như ở Vũng Tàu. Một thành phố nhỏ mà có đến hàng trăm ngôi chùa, thiền viện lớn bé. Sống ở Vũng Tàu hơn 30 năm tôi vẫn chưa có dịp thăm hết những ngôi chùa nơi đây. Phải chăng ngày xưa mảnh đất này được coi là xa xôi, tĩnh lặng lại có núi, có biển, không ồn ào náo nhiệt như một số thành phố khác của miền Nam nên các bậc Tăng ni Phật tử thường chọn nơi đây để lập chốn tu hành? Phần lớn các ngôi chùa được xây cất ở đây đều dựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra biển – một “thế” phong thủy rất vững chắc, và có phải vì vậy mà Vũng Tàu cũng trở thành mảnh đất đắc địa trong thời kinh tế thị trường ngày nay không?
Nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Vũng Tàu không nhiều. Toàn thành phố có khoảng chưa đến mười nhà thờ, không cái nào giống cái nào nhưng hết thảy đều tọa lạc trong không gian yên tĩnh và đẹp. Tôi đã từng đến Nhà thờ trung tâm thành phố vào dịp Noel 1983 để ngắm hang đá chúa Giê-su ra đời và khung cảnh nghiêm trang thành kính của giáo dân trong đêm đại lễ ấy. Tiếc rằng trận bão lớn tháng 12-2006 đã làm bật gốc rất nhiều cây cổ thụ trước nhà thờ để giờ đây Nhà thờ trung tâm này giảm đi nét duyên dáng, trầm mặc, cổ kính của ngày trước. Sau này, khi có dịp rảnh rỗi vào chiều Chủ Nhật, tôi thường thích đi qua nhà thờ để ngắm giáo dân đi lễ. Có một chút gì đó cảm động rưng rưng trước cảnh hàng trăm con chiên chắp tay đứng lặng lẽ trước sân Nhà thờ, mắt hướng về phía trước bày tỏ lòng kính Chúa. Khung cảnh ấy thật an lành, thanh thản như trời, như biển Vũng Tàu – một màu xanh bình yên và khoáng đạt…
Tôi sinh ra ở một thành phố nghèo miền Trung – thiếu cơm ăn áo mặc nhưng dư thừa nắng hạn, gió Lào và cả những tháng ngày dài lê thê lạnh lẽo của Mùa Đông. Trải qua tuổi thanh xuân ở Hà Nội với bao ký ức ngọt ngào sâu lắng. Nhưng cho đến bây giờ thì mới thấy không nơi nào mình nặng lòng như với thành phố biển Vũng Tàu. Hơn ba mươi năm trước chọn đất này làm nơi lập nghiệp, cũng chẳng ngờ cuộc đời mình lại “cột chặt” với xứ biển nơi đây, để rồi yêu, rồi trăn trở, rồi nhớ thương mỗi khi xa cách…
Vũng Tàu không đơn thuần chỉ là nơi sinh sống mà trong tôi đã là một phần không thể thiếu được của cuộc đời. Biển rộng, trời cao, rừng xanh ngút ngát…những gì thiên nhiên ưu đãi mảnh đất này đã thấm vào tôi, thấm vào nhiều người dân nơi đây để ai cũng mang một tâm hồn phóng khoáng, phiêu bồng, đam mê với vẻ đẹp núi sông mà đôi khi…quên chuyện cơm áo đời thường. Bạn tôi từ Hà Nội vào ai cũng xuýt xoa với nét đẹp xứ biển và càng thích thú hơn khi được đi vãn cảnh chùa rồi vào những quán café rất đặc trưng của thành phố biển này. Các bạn ấy còn nói đùa: “Ở nơi đây cậu sẽ sống lâu hơn bọn tớ rất nhiều…”
Sống lâu hơn kể cũng thích thật, nhưng nếu sống trong một không gian chật hẹp, đường xá khói bụi ô nhiễm, kẹt xe … thì chắc mình cũng không ham. Nhưng với thành phố biển thân yêu này, mình sẽ hài lòng biết bao nếu được sống hoài với nó. Cuộc đời mình có nhiều nỗi đam mê, một trong những thứ đó là đi du lịch. Biết thêm những miền đất mới, những danh thắng khắp mọi miền Tổ quốc hoặc ở nước ngoài là một niềm hạnh phúc không gì so sánh nổi. Bước chân mình đã từng đặt lên nhiều thành phố, làng mạc, núi rừng…trong và ngoài nước nhưng để chọn sống chắc mình không đánh đổi Vũng Tàu với bất kỳ nơi đâu. Tình yêu phố biển qua năm tháng không hề phai nhạt mà cứ lớn mãi trong lòng mình. Có “lập dị” lắm không Tôi ơi mà giữ mãi một tình yêu như thế?
Nguyễn Thị Nguyệt
iini.net